MÌNH ĂN TẾT HAY TẾT ĂN MÌNH?
Trên mạng hiện nay đang chia sẻ rất nhiều bài viết về "cái tết trẻ thơ" và "cái tết người lớn". Và mọi người so sánh rằng, "cái tết người lớn" không còn được vui như "cái tết trẻ thơ" nữa.
Tại sao lại như vậy. Tại sao ngày tết không còn là niềm vui mà lại biến thành nỗi sợ?
Cùng quan sát những hiện tượng sau:
(Tham khảo từ bạn Nguyễn Duy Nhân)
🔹Tết đồng nghĩa với áp lực tài chính. Đôi mươi ngày tết mà bao nhiêu khoản phải chi: mua sắm quần áo, thức ăn, bánh kẹo, trang trí nhà cửa, biếu xén, quà cáp…
🔹 Gánh nặng thị phi: "Ăn Tết có lớn không? Lì xì có nhiều không? Phải trái với họ hàng thế nào"… Cả nhà đầu tắt mặt tối làm mứt kẹo, gói bánh người nào cũng quần quật, căng thẳng, stress.
Người sĩ diện thì ném tiền qua cửa sổ, có người không chịu nổi áp lực thì đóng cửa trốn Tết luôn.
🔹 Cả năm không dọn dẹp đến ngày tết thì bắt đầu trang hoàng, công việc của cả năm dồn hết vào những ngày trước 30 tết. Mệt mỏi, lu bu, đầu bù tóc rối, cáu gắt, mặt nặng mặt nhẹ…Tới tết thì mọi người đuối rồi, hết tết.
🔹 Nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày (sáng, chiều, tối). Mỗi lần cúng là phải đủ món, đủ mâm. Nhiều bà, mẹ trong gia đình, ngày tết chỉ ở nhà làm bạn với ông Táo, rót nước, thắp nhang, đũa bát cộ bàn suốt ngày.
🔹 Khôi hài hơn, một số gia đình mỗi khi có khách đến thì lại hò hét vợ con rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh… khách chỉ nhấm môi một tí ra về. Sau đó lại dọn bàn, lau bàn, rửa ly, khách mới lại tới. Suốt ngày bày biện, dọn dẹp. Hết tết.
🔹 Là dịp mà người ta thường nói với nhau về "kinh nghiệm" - những trải nghiệm phát kinh. Đó là các tệ nạn cờ bạc, chạy nhanh phóng ẩu, ép bia rượu …vv
Nhiều đàn ông đến ngày tết là rượu chè bê bết, về nhà người hôi hám, gây gổ vợ con đầu năm, mệt mỏi… mất tư cách đàn ông khiến cả nhà không được vui.
Nếu có những điều trên thì ai cũng "sợ" tết!
🌱 Tết đơn sơ hay đủ đầy là do suy nghĩ của mỗi người, thực ra Tết ý nghĩa gốc nó đơn giản hơn nhiều.
Đôi lúc chỉ cần vài lạng hạt dưa, dăm lát mứt gừng, một cặp bánh chưng, một nhành hoa vạn thọ để dâng lên bàn thờ ông bà, đó đã là một cái Tết đủ đầy và giúp mọi thành viên trong gia đình gắn kết nhau hơn.
🌱 Vì thế, mỗi chúng ta cần thay đổi cách nghĩ về Tết, hãy đơn giản hóa mọi lễ nghi cúng bái nặng nề, đừng gồng mình làm những mâm cao cổ đầy mà trong lòng cảm thấy không vui, rồi lại than ngắn, thở dài, so bì công việc của nhau
🌱 Cả năm ai cũng làm lụng mệt nhọc, vất vả với bao lo toan từ sức ép sức khỏe, đời sống và gắng mình hòa nhập với bao mưu sự ở đời, nay lại phải gồng mình đón Tết, thế thì thử hỏi có ai mà không sợ Tết. Tết, chỉ cần một bữa tiệc đơn giản, gọn nhẹ vui vẻ, sum vầy, đầm ấm là đủ.
🌱Đối với các mẹ, các chị đừng gồng mình lo toan chuyện ăn uống ngày Tết như thế nào, mà hãy dành thời gian nghỉ ngơi và xúng xính quần áo du xuân. Đối với các chú, các anh đừng gồng mình thể hiện việc chén chú chén anh, so bì hơn thua độ cồn nạp vào người nhiều hay ít, mà hãy dành thời gian cho những người thân yêu trong gia đình, con cái.
🌱 Tất cả chúng ta, hãy mạnh dạn thay đổi những định kiến, trói chặt mình trong những khuôn phép gượng ép về lễ nghi ngày Tết, hãy làm những gì mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất, tất cả mọi người trong gia đình vui vẻ nhất.
Đừng ngại ánh mắt hay lời nói của người khác cảm nhận về mình đón Tết như thế nào, bởi mỗi gia đình, mỗi người sẽ có cảm nhận và đón tết theo cách của riêng mình.
👉 Có thể có nhiều truyền thống nhưng vui, khoẻ thì làm mà mệt quá thì nên đơn sơn đi. Giữ gìn sức khoẻ, giữ gìn được sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn mới là quan trọng nhất!
Không có nhận xét nào