Breaking News

CÓ NHỮNG “ THẰNG” DÀNH CẢ THANH XUÂN ĐỂ SỢ!





Tính cả tuổi mụ năm nay tớ đã đc 35 cái xuân xanh. Vậy là mình đã sống được một nửa cuộc đời, đã đi qua cái tuổi thanh xuân, cái tuổi mà nhiều sức lực, nhiều thời gian và năng lượng nhất, ấy vậy mà chưa làm được cái trò trống gì cho chính đời mình. Nhìn lại thật đáng buồn vì đã lãng phí một nửa cuộc đời một cách vô nghĩa thế.

Trước đây để bao biện cho suốt mấy mươi năm sống mòn đó tớ viện đủ lý do, nào là cha mẹ muốn thế, nào là mọi người ngăn cản, nào là sẽ tiếc rẻ lắm vì công việc đang tốt, nào là chế độ, nào là quyền lợi.

Dù biết bao nhiêu lý do tớ chỉ lừa được người khác chứ sao tự lừa được bản thân mình. Sâu thẳm trong lòng tớ, tớ chưa dám làm điều tớ muốn vì một lý do vô cùng đơn giản: tớ đã dành cả tuổi trẻ của mình chỉ để sợ hãi.

Bước chân ra khởi nghiệp thật nhiều điều lo lắng, thật nhiều điều đáng sợ, thật nhiều điều phải đánh đổi trong đó có khi đánh đổi cả tình cảm gia đình,bạn bè, người yêu,vợ chồng. Và vô vàn những nỗi sợ khác.

Một vài nỗi sợ mà mình đã trải qua và chính những nỗi sợ này đã kìm giữ mình lại một thời gian rất dài trước khi mình dám bước qua đó.

1. Nỗi sợ thứ nhất: Không có kinh nghiệm

Dù tớ là thằng máu me kinh doanh, tập tành buôn bán vài thứ từ hồi còn học sinh, sinh Viên. Nhưng dù sao cũng chỉ là nhỏ lẻ, tự phát, kể cả khi ra công tác nhà nước, tớ vẫn chân trong chân ngoài kiếm thêm vài việc.

Nhưng cái thế lúc đó lại khá an toàn, vẫn là làm nhỏ, có lãi thì hay, lỡ bị lỗ còn đồng lương nên cũng không đến nỗi. Vì thế tớ thực chất là thằng chả có nhiều kinh nghiệm kinh doanh.

Cứ mãi trong cái vòng luẩn quẩn không thoát ra được. Sợ không có kinh nghiệm nên không dám làm, mà vì không dám làm nên mãi không có kinh nghiệm. Nếu không dám đột phá cả đời chỉ chạy lòng vòng như con chuột với cái vòng quay.

Và là thằng đã dám làm và sống được tớ bảo đảm rằng kinh nghiệm sẽ có khi bạn dám làm, nghề sẽ chỉ bạn, người sẽ chỉ bạn, những lần làm sai sẽ chỉ bạn.

Vì vậy nỗi sợ thiếu kinh nghiệm không còn đáng sợ nếu bạn sắn tay vào làm đâu. Chỉ cần đừng vội vàng, đừng ham hố, và làm với thái độ luôn học hỏi. Bạn cứ chập chững từng bước như một đứa bé tập đi thôi, rồi một ngày bạn sẽ biết cách bước đi những bước vững vàng.

Thất bại đến nhanh là do bạn không chịu học đi mà chỉ lo học chạy. Giai đoạn cần tồn tại thì bạn lại tìm kiếm kinh nghiệm để phát triển. Chậm mà chắc là cách bạn có được nhiều kinh nghiệm và tốn ít học phí nhất bạn ạ

2. Nỗi sợ thứ hai: Không có vốn.
Không có tiền thì làm sao mà kinh doanh, tớ tự hỏi mình biết bao lần mỗi khi chuẩn bị ra quyết định. Và nó là một trong những lý do nặng đô khiến tớ chưa dám hành động. Đi vay nếu thất bại thì đổ nợ, đang an nhàn, chẳng lo lắng gì, tự nhiên vác một cục nợ để mất ăn mất ngủ.

Và sau này khi làm rồi, làm chung với mấy anh lớn hơn, giỏi hơn tớ mới biết đấy là cách mà ta đặt điều kiện cho sự ngu dại của mình. Kinh doanh cần vốn, nhưng vốn không nhất thiết là tiền, và tiền cũng không nhất thiết là tiền to.

Có cả nghìn dạng vốn và hàng nghìn dạng kinh doanh với số vốn tiền tối thiểu. Và nhiều người tớ quen đã làm giàu từ những số tiền ban đầu chỉ vài trăm nghìn bạn ạ.
- Kiến thức là một dạng vốn
- Kinh nghiệm là một dạng vốn
- Thời gian là một dạng vốn
- Ý tưởng là một dạng vốn
...
Và tiền. Bạn cần bao nhiêu để khởi nghiệp. Có phải cứ thành lập một Cty với số vốn vài trăm triệu thì mới là khởi nghiệp. Bạn có biết Steve Jobs và đồng sự đã chui trong cái Gara, bán sạch cả máy tính và những món đồ lặt vặt để mở đầu cho một Apple hùng mạnh như ngày nay.

Với tớ sau những lần mang cục tiền to đổ vào những lần kinh doanh và thất bại, tớ hiểu rằng tiền to chưa chắc làm được việc lớn. Chậm và chắc, có dòng tiền đều thì một số vốn cực nhỏ vài ba triệu cũng đến một ngày bạn có một sự nghiệp kha khá. Kiến tha lâu cũng có ngày mỏi cẳng mà.

Vì thế là thằng đã bể nợ và bắt đầu với số vốn chưa đầy 2 tr. Tớ thề có cái bóng đèn là mình vẫn có thể kiếm tiền và xây dựng một doanh nghiệp với số vốn đó.
Cách thức đi rât quan trọng và nó cũng là một dạng vốn. Nếu vốn ít hãy học cách đi cho phù hợp, liệu cơm mà gắp mắm

3. Nỗi sợ thứ 3: Nếu thất bại thì sao

Sẽ là thất bại nếu bạn sớm nghĩ tới điều đó, vì bạn tự làm mất tinh thần của mình. Và nếu sợ quá bạn sẽ không dám hành động luôn. Và với tớ không dám làm gì mới là thất bại.

Những thực tế rất rõ ràng là khi bạn mới ra kinh doanh, bạn sẽ bỡ ngỡ đủ thứ. Từ nguồn hàng không chuẩn, đáng giá sai thị trường, không hiểu khách hàng, không kiếm được địa điểm, chưa có kinh nghiệm tiếp thị, giải quyết hàng tồn... Rồi thua lỗ, rồi vay nợ.

Và đó không phải là vấn đề của riêng bạn, đó là vấn đề của mọi người. Có bận, tớ phải thuê cả cái xe tải 500kg bốc một đống trái cây đi tìm chỗ đổ, đứng nhìn mà nước mắt chỉ trực trào ra, hơn 20tr đang được mang đi đổ bỏ. Ruột đau như cắt, buồn suốt mấy ngày.

Đó là sự thật phũ phàng của khởi nghiệp. Nhưng nếu chỉ vì thế mà bạn không dám làm thì bạn chỉ có la gan của con chuột nhắt bé tí.

Nhiều người thê thảm hơn tớ, nhưng rồi họ vẫn đứng lên được. Những lúc khốn khổ như thế tớ lại nhìn họ và lại có thêm sức mạnh để đứng lên đi tiếp.
...
Còn ti tỉ tì ti lý do nữa mà bạn sợ bạn ạ. Ai cũng phải sợ, ai cũng sẽ phải thất bại vài lần không tránh được. Nhưng điểm khác nhau giữa một người có được thành quả là họ không để nỗi sợ đánh gục họ.

Nếu bạn còn đang ở tuổi thanh xuân, đừng lãng phí nó như cách tớ đã lãng phí vì những nỗi sợ.

(St)

Không có nhận xét nào